Mở rộng kênh phân phối cho sản phẩm thanh long
Thanh long được xem là 1 trong 40 mặt hàng xuất khẩu lợi thế của Việt Nam. Đối với Bình Thuận, thanh long cũng khẳng định là cây trồng chủ lực, có lợi thế và hiện đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng, năng suất, chất lượng… Ngoài ra, chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận là nhãn hàng thứ 4 được Nhà nước bảo hộ đăng bạ tên gọi độc quyền trên phạm vi toàn quốc. Cùng với đó, chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận đã được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ, trong khi hình ảnh và nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit” được 13 quốc gia và vùng lãnh thổ gia hạn bảo hộ.
![]() |
Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Bình Thuận. Ảnh: K. Hằng |
Hướng đến phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thanh long Bình Thuận, trong năm 2024, Sở Công Thương tỉnh này đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các nội dung trong các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công địa phương và của quốc gia. Nhờ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, liên doanh, liên kết để hoàn thiện về quy trình công nghệ, quá trình chế biến nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu của sản phẩm.
Tuy nhiên, việc phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thanh long Bình Thuận hiện vẫn còn không ít khó khăn lẫn thách thức. Bởi hầu hết doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến thanh long tại địa phương đều có quy mô nhỏ, vốn ít, sức cạnh tranh không cao và còn hạn chế trong hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối…
Theo ngành Công Thương Bình Thuận, để phát triển và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cả trong lẫn ngoài nước, góp phần bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm thanh long Bình Thuận, tới đây, đơn vị sẽ chủ động phối hợp các sở ngành và địa phương liên quan, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận nghiên cứu các quy định, chính sách để đề xuất giải pháp xúc tiến thương mại hiệu quả.
Bên cạnh việc củng cố và phát triển mở rộng đối với những thị trường truyền thống thì cũng tăng cường xúc tiến thương mại, tổ chức đoàn khảo sát, giao thương theo chương trình của các bộ ngành Trung ương. Qua đó tìm hiểu mở thêm thị trường mới, thị trường tiềm năng nhằm giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, nhất là chú trọng đến thị trường Ấn Độ, Pakistan và các quốc gia Trung Đông, hoặc những nước đã ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
![]() |
Ngành Công Thương Bình Thuận nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long Bình Thuận tại các hội chợ thương mại. Ảnh: Đ. Quốc |
Đồng thời đẩy mạnh hợp tác giao thương, kết nối cung – cầu (cả trực tiếp lẫn trực tuyến) với các tỉnh, thành trong nước để hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp địa phương. Hướng đến củng cố, phát triển thêm kênh phân phối thông qua chợ đầu mối, hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm chế biến từ thanh long, góp phần giảm bớt áp lực tiêu thụ trái thanh long tươi.
Mặt khác sẽ vận động, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến thanh long tham gia Sàn thương mại điện tử Bình Thuận và tự tạo mã QR truy xuất nguồn gốc. Đồng thời cũng thường xuyên phối hợp với các sàn thương mại điện tử uy tín hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kết nối với nhà nhập khẩu nước ngoài, hoặc chuỗi cung ứng trong và ngoài nước…
Nâng chất lượng sản phẩm OCOP
Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP tại Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống người dân. Các sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực như nông sản, thực phẩm chế biến sẵn, và sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Hiện nay, tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng như nước mắm, thanh long chế biến, hải sản chế biến. Gần đây, các sản phẩm gạo chất lượng cao và yến sào từ huyện Tánh Linh, Đức Linh cũng đang dần khẳng định thương hiệu.
![]() |
Tỉnh Bình Thuận đang tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP chủ lực để xuất khẩu. Ảnh: Thanh Duyên |
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, tỉnh đã triển khai Phần mềm số hóa OCOP trên toàn địa bàn, tổ chức tập huấn giúp các chủ thể tạo tài khoản và nộp hồ sơ điện tử thay cho bảng giấy. Đến nay, 90 chủ thể đã nộp 96 hồ sơ điện tử, 54 chủ thể đăng ký hoạt động trên sàn thương mại điện tử “sanphamdiaphuong.com.vn”, và 27 chủ thể tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử tại “truyxuatsanphambinhthuan.vn”.
Ông Ngô Minh Trang, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh có 163 sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm OCOP 4 sao, 156 sản phẩm OCOP 3 sao. Các sản phẩm chủ lực như thanh long chế biến, nước mắm truyền thống và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã góp phần khẳng định chất lượng và giá trị thương hiệu của Bình Thuận trên thị trường.
Cũng theo ông Trang, trong năm 2025, định hướng phát triển các sản phẩm OCOP của Bình Thuận sẽ tập trung vào việc mở rộng các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm chế biến từ thanh long và hải sản. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm gắn với du lịch, tận dụng các làng nghề truyền thống để phát triển sản phẩm lưu niệm và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo. Đặc biệt, nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện đại cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm của tỉnh.