Giá FiT – Đòn bẩy cho năng lượng sạch
Trong nỗ lực thúc đẩy năng lượng tái tạo, Việt Nam đã triển khai cơ chế hỗ trợ giá điện, hay còn gọi là Feed-in Tariff (FiT). Cơ chế này cho phép các nhà đầu tư bán toàn bộ sản lượng điện từ dự án tái tạo cho Công ty Mua bán điện (EPTC) với mức giá cố định trong 20 năm, nhằm bù đắp chi phí đầu tư lớn ban đầu.
Tính ổn định và khả năng dự báo cao của FiT đã góp phần tạo nên làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào điện gió, điện mặt trời, đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu Đông Nam Á về công suất lắp đặt năng lượng tái tạo (theo báo cáo Global Energy Monitor, 2024).
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng này cũng gây áp lực lên hệ thống lưới điện, làm phát sinh chi phí cho người tiêu dùng. Trong bối cảnh đó, một số ý kiến cho rằng cần xem xét lại việc áp dụng FiT, thậm chí yêu cầu truy thu với các dự án chưa hoàn tất nghiệm thu xây dựng vào thời điểm được công nhận vận hành thương mại (COD).
Rủi ro pháp lý từ việc thu hồi giá FiT
Lập luận phổ biến được viện dẫn đến từ Kết luận 1027/KT-TTCP ngày 28/4/2023 của Thanh tra Chính phủ. Văn bản này đề cập việc cần xem xét lại các dự án được hưởng giá FiT nhưng chưa hoàn thành công tác nghiệm thu theo quy định của pháp luật xây dựng.
Tuy nhiên, theo các văn bản pháp lý hiện hành, việc hoàn tất nghiệm thu công trình không phải là điều kiện bắt buộc để hưởng giá FiT. Điều kiện được quy định cụ thể gồm:
-
Hoàn tất thử nghiệm theo quy định;
-
Có giấy phép hoạt động điện lực;
-
Có xác nhận chỉ số công tơ điện để thanh toán.
Việc áp dụng hồi tố điều kiện mới để rút lại giá FiT được xem là trái với nguyên tắc pháp luật về bất hồi tố, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Hành vi này tiềm ẩn nguy cơ làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư, khiến chi phí huy động vốn tăng cao do rủi ro chính sách.
Bài học từ Tây Ban Nha và Đức
Tây Ban Nha: Chính sách hồi tố và hệ quả pháp lý
Tây Ban Nha từng áp dụng cơ chế tương tự FiT nhưng sau đó điều chỉnh chính sách một cách hồi tố, dẫn đến hàng loạt vụ kiện quốc tế. Chính phủ nước này bị cáo buộc vi phạm nguyên tắc “đối xử công bằng và bình đẳng” (Fair and Equitable Treatment) với nhà đầu tư.
Kết quả là Tây Ban Nha phải bồi thường hàng tỷ USD sau phán quyết bất lợi từ các tổ chức trọng tài quốc tế. Rủi ro pháp lý, bất ổn chính sách và môi trường đầu tư bị đánh giá thấp đã khiến chi phí huy động vốn của quốc gia này tăng mạnh.
Đức: Tôn trọng cam kết và khuyến khích linh hoạt
Ngược lại, Đức đã chọn duy trì các hợp đồng FiT đã ký, đồng thời mở ra cơ chế “Feed-in Premium” (FiP), khuyến khích nhà đầu tư chuyển đổi sang thị trường điện cạnh tranh. Chủ đầu tư có thể nhận thêm lợi nhuận nếu giá thị trường cao hơn mức cố định.
Cơ chế FiP không chỉ giúp điều tiết điện năng hiệu quả hơn mà còn tạo động lực để các nhà đầu tư chủ động sản xuất theo tín hiệu thị trường, từ đó hỗ trợ việc quản lý tải điện và hạ tầng.
Việt Nam cần lựa chọn đúng để giữ vững niềm tin đầu tư
Việt Nam hiện đang đứng trước ngã rẽ: chọn đi theo hướng của Tây Ban Nha, Đức, hay xây dựng hướng đi riêng. Trong bối cảnh quốc gia đang đặt tham vọng về tăng trưởng GDP, thu hút FDI chất lượng cao và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 theo cam kết tại COP26, việc hồi tố FiT là một lựa chọn rủi ro.
Việc tôn trọng các cam kết pháp lý, bảo vệ môi trường đầu tư và tránh thay đổi luật chơi một cách bất lợi là cách duy nhất để giữ vững niềm tin. Đây cũng là thông điệp quan trọng thể hiện nỗ lực cải thiện môi trường pháp lý và thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân như định hướng trong Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị.