Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ: Quy định chi tiết về bán điện dư theo Nghị định 58/2025

admindvlipt
09/03/2025
0

Nghị định 58/2025/NĐ-CP: Quy định chi tiết về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ và cơ chế bán điện dư

Ngày 3/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2025/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới. Một trong những nội dung quan trọng của nghị định này là chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ, đồng thời đưa ra cơ chế bán điện dư vào hệ thống điện.

Đối tượng được bán sản lượng điện dư

  • Nguồn điện mặt trời mái nhà đấu nối với hệ thống điện quốc gia, thuộc quy mô công suất phát triển trong quy hoạch phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện quy hoạch điện lực, hoặc phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh.
  • Nguồn điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình nhà ở riêng lẻ có công suất nhỏ hơn 100 kW và đấu nối vào lưới điện của bên mua điện dư.
  • Nguồn điện mặt trời mái nhà của tổ chức, cá nhân lắp đặt trên công trình xây dựng tại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo có lưới điện nhưng chưa đấu nối với hệ thống điện quốc gia.

Lưu ý: Các nguồn điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên công trình là tài sản công sẽ không thực hiện mua bán sản lượng điện dư.

Sản lượng điện dư và giá bán

Sản lượng điện dư bán cho bên mua không vượt quá 20% tổng sản lượng điện phát tại đầu ra của nguồn điện mặt trời mái nhà, được xác định tại đầu ra của bộ biến đổi điện (inverter), bao gồm cả sản lượng điện lưu trữ nếu có.

Thanh toán tiền điện dư được thực hiện theo hai trường hợp:

  • Nếu sản lượng điện dư lớn hơn 20%, bên mua chỉ thanh toán 20% tổng sản lượng điện phát.
  • Nếu sản lượng điện dư nhỏ hơn hoặc bằng 20%, bên mua thanh toán toàn bộ lượng điện được đo đếm tại công tơ.

Giá mua điện dư là giá điện năng thị trường bình quân của năm trước liền kề, do đơn vị điều hành thị trường điện công bố, nhưng không cao hơn mức giá tối đa của khung giá điện mặt trời mặt đất.

Riêng các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo chưa được cấp điện từ hệ thống điện quốc gia, không giới hạn sản lượng điện dư được mua. Sản lượng này được thanh toán toàn bộ lượng điện phát lên lưới, đo đếm tại công tơ. Khi khu vực này được cấp điện từ hệ thống điện quốc gia, việc xác định và thanh toán sản lượng điện dư sẽ tuân theo các quy định hiện hành.

Hồ sơ và thủ tục mua bán điện dư

Để bán điện dư, tổ chức hoặc cá nhân cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:

  • Đơn đề nghị bán điện.
  • Bản sao tài liệu kỹ thuật, chứng nhận xuất xứ và chất lượng thiết bị: tấm quang điện, bộ biến đổi điện, công suất thiết bị, và các cấu thành khác.
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phát triển (nếu có).
  • Bản sao các văn bản liên quan theo quy định chuyên ngành: hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng, văn bản nghiệm thu của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy.

Các bên sẽ tiến hành kiểm tra kỹ thuật, lắp đặt công tơ, chốt chỉ số, ký hợp đồng mua bán điện và đưa nguồn điện vào vận hành. Thời hạn ký hợp đồng là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

Hợp đồng mua bán điện có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày nghiệm thu và cung cấp đủ hồ sơ. Sau thời gian này, việc gia hạn hoặc ký hợp đồng mới sẽ tuân theo quy định pháp luật hiện hành.

Bên mua điện dư là các công ty con hoặc đơn vị trực thuộc của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN).

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.