Với lợi thế về tự nhiên, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực,… Thời gian qua, Nam Định đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp có tính đột phá để thu hút FDI nhằm tạo xung lực mới cho sự bứt tốc trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Tiềm năng đầu tư
Vị trí chiến lược của Nam Định, nằm giữa vùng Nam Đồng bằng sông Hồng và gần Tam giác tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh cùng Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ, tạo điều kiện kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế và thủ đô Hà Nội. Khoảng cách thuận tiện đến sân bay Nội Bài (khoảng 130km) và cảng Hải Phòng (khoảng 100km) thông qua hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, giúp rút ngắn thời gian di chuyển.
Nam Định có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, với khoảng 1 triệu người trong độ tuổi lao động (chiếm 60% tổng dân số), đặc biệt là lao động có tay nghề, trình độ cao. Với nền giáo dục – đào tạo hàng đầu cả nước, tỉnh có 4 trường đại học, 7 trường cao đẳng và nhiều trường trung học chuyên nghiệp, đào tạo hàng nghìn kỹ sư, công nhân kỹ thuật tay nghề cao.
Hạ tầng về giao thông vận tải rất phát triển và đồng bộ, bao gồm mạng lưới đường bộ, đường sắt, đường thủy và cảng biển, nhằm tối ưu hóa việc kết nối nội địa và quốc tế. Đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh và các quốc lộ, đường sắt xuyên Việt, hệ thống sông và cảng biển, cùng hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề đều được đầu tư mạnh mẽ và hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, xuất khẩu và vận chuyển hàng hóa.
( Ảnh minh họa )
Tình hình hiện tại và triển vọng thu hút FDI vào tỉnh Nam Định
Theo Ban quản lý các KCN: Từ năm 2020 đến nay, Nam Ðịnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 156 dự án, với tổng số vốn đăng ký và bổ sung là 246,7 triệu USD và 107.596 tỷ đồng. Trong đó, có 108 dự án (14 dự án FDI và 94 dự án đầu tư trong nước) được cấp mới với tổng số vốn đăng ký là 180 triệu USD và 76.855 tỷ đồng; 48 dự án (17 dự án FDI và 31 dự án đầu tư trong nước) được điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn bổ sung là 66,7 triệu USD và 30.714 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, 7 tháng đầu năm 2023 tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 9 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 147 triệu USD. Trong đó, cấp mới cho 8 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký 143,9 triệu USD và tăng vốn 3,4 triệu USD cho 1 dự án FDI.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, đến nay toàn tỉnh có 20 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 393,67ha. Năm 2023 đã có 15 dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng với tổng mức vốn khoảng 605 tỷ đồng, dự kiến thu hút 1.100 lao động, nâng tổng cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư vào các CCN trên toàn tỉnh lên 619 đơn vị với tổng vốn đăng ký là 6.671,3 tỷ đồng; đã thực hiện 4.933,3 tỷ đồng, tổng số lao động trong các CCN khoảng 21.377 lao động. Bên cạnh đó, kết quả thu hút đầu tư vào nhóm 6 KCN đã được triển khai đầu tư hạ tầng với tổng diện tích 1.289ha cũng có nhiều chuyển biến tích cực.
Các KCN
Tại KCN Mỹ Thuận là KCN thứ 5 của tỉnh có quy mô 158,4ha nằm trên địa bàn các xã Mỹ Thuận, Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) và xã Hiển Khánh (Vụ Bản). Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN do Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.621 tỷ đồng. Dù đang trong quá trình xây dựng nhưng trong năm 2023 KCN Mỹ Thuận đã thu hút đầu tư từ nhiều tập đoàn lớn: Tập đoàn Sunrise Material (Singapore) đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc polyme công nghệ cao; Tập đoàn JiaWei (Đài Loan) đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao; Tập đoàn Quanta Computer Inc đầu tư dự án xây dựng nhà xưởng F1 thuộc dự án sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi. Tại KCN Dệt may Rạng Đông, năm 2023 đã có thêm dự án sản xuất găng tay y tế với tổng số vốn đăng ký 150 triệu USD của Công ty TNHH Y tế Bình An được chấp thuận chủ trương tiếp nhận dự án… Các dự án đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 đều được tỉnh đánh giá là các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với môi trường đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Triển vọng và giải pháp thu hút FDI vào tỉnh Nam Định trong tương lai
Đến nay, để thu hút FDI, tỉnh Nam Định đã cơ bản hình thành các dự án có tính chiến lược, lâu dài, là động lực cho sự phát triển của tỉnh. Tổng mức đầu tư các dự án trọng điểm khoảng 25.000 tỷ đồng và dự kiến các dự án sẽ hoàn thành trong khoảng từ năm 2023-2025.
Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước
Để thực hiện được mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh Nam Định tập trung cho công tác chỉ đạo, triển khai giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm đúng quy định, đảm bảo tiến độ, qua đó đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã có, đang triển khai và đã có quy hoạch. Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung cho công tác chỉ đạo, triển khai giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm đúng quy định, đảm bảo tiến độ, qua đó đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã có, đang triển khai và đã có quy hoạch.
Bên cạnh đó, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Ưu tiên nguồn vốn để đầu tư và sớm hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, có tính chiến lược lâu dài. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư…
Linh Phương – Nhân viên tư vấn đầu tư
CÔNG TY CP XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ THƯƠNG MẠI DVL IPT
https://dvlipt.vn/Info.ipt@dvlgroup.vn
Trụ sở: Tầng 10, tòa nhà A3 Ecolife Capitol, 58 Tố Hữu, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Văn phòng: H8, Ngõ 80 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Văn phòng: 14 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội