Để có thể xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế ở Việt Nam, rất cần các cơ chế đột phá.
“Chạy đua” với cơ hội vàng
Tổ công tác xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế vừa tiếp tục có cuộc họp bàn để có thể sớm hoàn thành bản đề án quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế – xã hội Việt Nam. Liên tiếp trong những tuần qua, các cuộc họp như vậy đã được tổ chức, khi thì với các đối tác, các nhà tư vấn quốc tế, lúc với các địa phương, với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, rồi Bộ Tư pháp…
Để phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, các chính sách về tiền tệ, ngân hàng; tài chính; tư pháp và tòa án là những chính sách quan trọng nhất. Cùng với đó, theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Tổ công tác cũng rất mong muốn cập nhật thêm tiến độ hoàn thiện hai đề án của TP.HCM và TP. Đà Nẵng để có thể ghép thành một đề án tổng thể về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
“Chúng tôi đang nỗ lực có thể bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án của Thành phố”, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã nói như vậy. Câu trả lời tương tự cũng được đưa ra từ lãnh đạo UBND TP.HCM.
Tuy vậy, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, đây là một vấn đề “mới và phức tạp”. Đề án tổng thể là sản phẩm chung của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Do vậy, đòi hỏi sự tham gia, phối hợp tích cực của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai, đặc biệt trong các vấn đề cốt lõi để xây dựng trung tâm tài chính, như mô hình và lộ trình phát triển; các ngành, lĩnh vực trọng tâm; luật áp dụng, các cơ chế giải quyết tranh chấp, quy định về tiền tệ, ngoại hối…
Là vấn đề “mới và phức tạp”, nhưng không thể chậm trễ hơn nữa, để không bỏ lỡ cơ hội vàng cho sự đột phá của kinh tế – xã hội Việt Nam, nên liên tục có các hối thúc từ Chính phủ về việc sớm hoàn thiện Đề án. Điều này càng quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều chuyển biến nhanh chóng, khó lường và khó dự báo; nhiều quốc gia đã tranh thủ sự sắp xếp lại của thị trường để tham gia sâu hơn vào cấu trúc trật tự của thị trường tài chính toàn cầu.
“Việt Nam cần thành lập được trung tâm tài chính quốc tế. Đây là một chiến lược dài hạn, có ý nghĩa quan trọng, không chỉ để thu hút nguồn lực tài chính, mà còn nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu”, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) vừa chia sẻ tại một hội thảo về phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới.
Tuy vậy, điều khiến ông Johnathan Hạnh Nguyễn băn khoăn, đó là Việt Nam đang thiếu một chiến lược tổng thể rõ ràng về phát triển trung tâm tài chính quốc tế. “Chưa có một kế hoạch dài hạn và nhất quán về xây dựng cơ chế chính sách, cũng như lộ trình phát triển, tạo ra sự không chắc chắn cho các nhà đầu tư lớn muốn tham gia sớm vào thị trường”, ông Jonathan Hạnh Nguyễn nói.
Bây giờ chính là lúc để xây dựng và hoàn thiện Đề án xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế ở Việt Nam.
Cần cơ chế đột phá
Trong chia sẻ của mình, ông Jonathan Hạnh Nguyễn cho biết, ông đã kết nối và làm việc được với các tổ chức tài chính ở Anh, Mỹ, Trung Quốc, Singapore từ năm 2016. Và cách đây 2 năm, một nhà đầu tư Mỹ cũng cam kết trước mắt rót khoảng 10 tỷ USD vào phát triển trung tâm tài chính ở Việt Nam, bao gồm 4 tỷ USD ở Đà Nẵng và 6 tỷ USD ở TP.HCM. Tuy nhiên, đến thời điểm này, quyết định cuối cùng chưa được đưa ra.
“Tôi tin rằng, các nhà đầu tư cần một cơ chế cởi mở và đột phá hơn. Họ cần sự cam kết từ Chính phủ và một chiến lược rõ ràng để thấy rằng, đây là một kế hoạch bền vững và có tiềm năng”, ông Jonathan Hạnh Nguyễn nói.
Chưa biết các nhà đầu tư mà ông Jonathan Hạnh Nguyễn kết nối có quyết định đầu tư ở Việt Nam hay không, nhưng tâm tư của các nhà đầu tư về một cơ chế cởi mở và đột phá, cũng như cần có một chiến lược rõ ràng là có thực.
Chính Tổ công tác xây dựng Đề án Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế cũng cho rằng, phải có cơ chế đột phá thì mới có thể thu hút đầu tư và phát triển trung tâm tài chính.
“Nhưng đột phá đến mức nào? Như UAE là phải sửa cả Hiến pháp. Liệu chúng ta có dám chơi cuộc chơi đó không?”, câu hỏi đã được Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đặt ra và mong muốn nhận được sự đóng góp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và cả các chuyên gia quốc tế.
Đây là một bài toán khó, bởi rõ ràng, nếu chỉ áp dụng theo luật pháp Việt Nam, thì khó có thể thu hút được các nhà đầu tư quốc tế nhập cuộc. Nhưng nếu mở, nếu muốn xây dựng cơ chế đột phá, thì quan trọng là mở thế nào, quản đến đâu, tác động ra sao…
Hiện tại, Tổ công tác xây dựng Đề án đã đề xuất 19 chính sách theo 3 nhóm ưu tiên để xây dựng lộ trình phát triển trung tâm tài chính ở Việt Nam. Trong đó, đã thống nhất được một số chính sách mà các đơn vị tư vấn quốc tế xác định là điều kiện nền tảng để phát triển trung tâm tài chính. Chẳng hạn, các vấn đề về kiểm soát ngoại tệ đối với các giao dịch trong trung tâm tài chính; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ; lộ trình áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về ngân hàng trong trung tâm tài chính; hay việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính theo thông lệ quốc tế…
Cũng còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục thảo luận và xin ý kiến. Nhưng quan điểm nhất quán là sẽ tạo cơ chế “đột phá” để phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong cuộc họp mới đây về việc thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, TP.HCM tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Đề án Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM. Trong đó nghiên cứu các cơ chế chính sách vượt trội, tiếp cận được các mô hình đã thành công trên thế giới, báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 11/2024. Như vậy, hai chữ “vượt trội” cũng được nhấn mạnh.
Nguồn: baodautu.vn
Văn Thắng – Ban Xúc tiến đầu tư
CÔNG TY CP XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ THƯƠNG MẠI DVL IPT
Trụ sở: Tầng 10, tòa nhà A3 Ecolife Capitol, 58 Tố Hữu, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Văn phòng: H8, Ngõ 80 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Văn phòng: 14 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội